Quầy bar/pha chế trong nhà hàng, quán cafe tuy chiếm không nhiều không gian trong quán nhưng đóng một vai trò rất quan trọng. Đây vừa là nơi để khách gọi order, thanh toán và cũng là quầy pha chế đồ uống của quán. Thiết kế quầy bar pha chế đẹp và tiện lợi sẽ giúp quán có thêm điểm nhấn, thu hút sự chú ý của thực khách. Dưới đây là những lưu ý khi thiết kế quầy bar trong nhà hàng, quán cafe mà chủ kinh doanh cần biết.
1. Vai trò của quầy bar
Trong quán cafe, quầy bar hay quầy pha chế là khu vực pha chế đồ uống để phục vụ khách hàng. Đối với những quán cà phê hay quán bar có quy trình order tại quầy, quầy bar còn đóng vai trò là nơi order/ gọi món và thanh toán.
Quầy pha chế là nơi khách hàng tới đầu tiên khi vào quán, vì vậy thiết kế quầy bar nên được chú trọng. Một quầy pha chế được thiết kế đẹp, vệ sinh, hiện đại sẽ tạo ấn tượng tốt hơn đối với khách hàng.
Ở một số quán bar, pub, quầy bar còn là nơi các khách hàng xem Bartender biểu diễn pha chế và thưởng thức đồ uống ngay tại đó.
2. Kích thước tiêu chuẩn của quầy bar
Khi thiết kế quầy bar, bạn cần lưu ý về kích thước tiêu chuẩn như chiều cao hay kích thước sàn. Độ rộng của quầy bar có thể tùy thuộc vào quy mô diện tích của quán nhưng vẫn phải đảm bảo các kích thước tiêu chuẩn sau để nhân viên dễ dàng làm việc và khách hàng dễ dàng sử dụng.
- Chiều cao mặt ngoài
Mặt ngoài của quầy pha chế là mặt hướng về phía khách hàng. Chiều cao của mặt ngoài quầy bar nên từ 1m đến 1,2m. Ở độ cao này, khách hàng có thể dễ dàng giao tiếp với nhân viên thu ngân hay pha chế, nhân viên phục vụ lấy/ trả món nhanh chóng mà không bị với. Khách hàng sẽ dễ dàng gọi món trên menu mà không có cảm giác đang “bị thấp” hơn nhân viên.
- Chiều cao mặt trong
Nguyên tắc khi thiết kế quầy bar nhà hàng là mặt trong phải có chiều cao thấp hơn mặt ngoài. Chiều cao mặt trong gợi ý từ 80 – 90 cm. Đây là kích thước tiêu chuẩn để nhân viên khi pha chế không phải cúi hay với khi làm việc. Đồng thời, khi pha chế cần sử dụng rất nhiều dụng cụ, việc chiều cao mặt trong thấp hơn mặt ngoài để khách hàng không nhìn thấy các dụng cụ pha chế, cốc chén ngổn ngang trên mặt bàn, tránh cảm giác bừa bãi, không hợp vệ sinh.
- Chiều rộng mặt bàn
Chiều rộng mỗi mặt bàn của quầy bar từ 60 đến 80 cm. Đây là chiều rộng tiêu chuẩn để đủ để đặt các thiết bị bán hàng, máy pha cafe, dụng cụ pha chế mà không gây ảnh hưởng đến công việc pha chế của nhân viên.
- Kích thước sàn
Khu vực mặt sàn bên trong là nơi làm việc của nhân viên pha chế. Tùy theo quy mô của nhà hàng có nhiều hay ít nhân viên mà chủ quán nên thiết kế quầy pha chế phù hợp. Độ rộng mặt sàn quầy pha chế cần đạt tối thiểu 120cm chưa kể tủ, quầy. Kích thước này đảm bảo nhân viên pha chế có thể dễ dàng di chuyển khi làm việc, dọn vệ sinh
3. Những lưu ý khi thiết kế quầy bar
Khi thiết kế quầy bar mini hay quầy bar lớn, có 4 lưu ý sau chủ quán cần phải lưu tâm:
3.1. Chỗ ngồi của khách hàng
Ở các nhà hàng lớn hay pub, bar, khách hàng có thể ngồi thưởng thức đồ uống trực tiếp tại quầy bar. Do đó, việc bố trí ghế quanh quầy bar là không thể thiếu. Vì mặt ngoài của quầy bar có thể cao đến 1,2m nên thường được bố trí ghế chân cao và có tựa lưng vững trãi.
Cần bố trí khoảng cách hợp lý giữa các ghế để khách hàng có không gian di chuyển và ngồi lên ghế, tránh cảm giác chật chội. Khoảng cách từ mặt ghế với mặt bàn quầy bar cần đảm bảo từ 25 – 30cm để khách hàng cảm thấy thoải mái khi ngồi và dùng đồ uống.
3.2. Hệ thống điện
Quầy pha chế là nơi sử dụng rất nhiều các thiết bị điện như đèn chiếu sáng, máy pha cà phê, máy xay sinh tố, lò nướng, lò vi sóng… Các thiết bị pha chế được bật ngắt liên tục nên hệ thống điện cần được thiết kế có thể chịu tải cao, tránh tình trạng quá tải hay ngắt điện trong quá trình làm việc.
3.3. Hệ thống tủ, kệ
Thiết kế quầy pha chế tiện lợi bao gồm hệ thống tủ, kệ để chứa dụng cụ pha chế, cốc ly cũng như hệ thống chậu rửa, thùng đựng đá viên, thùng rác. Hệ thống tủ kệ nên bố trí treo trên tường để đặt cốc ly và các nguyên liệu pha chế. Ngoài để đồ, hệ thống tủ, kệ này cũng mang vai trò trưng bày cho quầy bar.
3.4. Chất liệu làm mặt bàn
Mặt bàn quầy bar nên được làm bằng chất liệu đá marble hoặc gỗ tự nhiên, hay inox để chống thấm nước và dễ dàng lau rửa. Ngoài ra, mặt bàn còn thường xuyên phải chịu tác động từ quá trình pha chế và các chất tẩy rửa, nguyên liệu bắn ra, cho nên mặt bàn quầy bar cần làm bằng những chất liệu chịu được va đập mạnh và chất tẩy rửa, khó bám bẩn.
3.5. Thiết kế quầy pha chế theo phong thủy
Đối với văn hóa Á Đông, việc thiết kế quầy bar theo phong thủy cũng được các chủ quán rất lưu tâm. Trong nhà hàng, quán cafe, vị trí quầy bar, quầy thu ngân nên được đặt ở hướng Bạch Hổ, tương ứng với hướng bên phải từ nhà hàng nhìn ra. Theo phong thủy, vị trí hướng Bạch Hổ thường là vị trí tĩnh và đem lại nhiều tài lộc, may mắn cho chủ kinh doanh.
Lưu ý không nên để các thiết bị có nhiệt độ cao như ấm siêu tốc, lò vi sóng cạnh khu vực thu ngân để tránh hao hụt tiền tài. Két tiền phải đặt ở dưới máy tính tiền, ở vị trí kín đáo để tránh lộ tài, hao tán lộc.
4. Xu hướng thiết kế quầy bar đẹp và tiện lợi năm 2022
Chủ quán có thể tham khảo các mẫu thiết kế quầy bar dưới đây và áp dụng cho quán của mình.
4.1. Thiết kế quầy bar theo phong cách sang trọng, hiện đại
Quầy bar theo phong cách châu Âu, không sử dụng quá nhiều màu sắc sặc sỡ, chuộng màu đơn sắc như trắng hoặc xám nhạt kết hợp với tông đen hoặc tông nâu gỗ sẽ mang đến cảm nhận hiện đại và sang trọng cho quán. Hơn nữa, việc tối giản trong thiết kế sẽ giúp không gian trở nên rộng hơn, mang lại sự trẻ trung, tươi mới, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.
4.2. Quầy bar phong cách cổ điển
Phong cách cổ điển, xưa cũ hay vintage mang đến cho khách hàng cảm xúc hoài niệm về những điều xưa cũ. Đây cũng là một ý tưởng thiết kế quầy bar khá thú vị. Dưới đây là hình ảnh quầy bar được thiết kế theo phong cách châu Âu những năm 1850 với thùng gỗ, gạch nứt, đèn bão và trần gỗ thấp.
4.3. Quầy bar đa giác
Quầy pha chế có thể được bố cục theo thiết kế chữ L, chữ C hoặc chữ U nhưng quầy bar hình đa giác cũng là một ý tưởng rất sáng tạo để tối ưu diện tích sử dụng của quán. Để cân bằng với các góc nhọn của hình đa giác, nhà thiết kế có thể sử dụng thêm đèn tròn hoặc ghế tròn.
4.4. Quầy bar mini
Những quầy bar dạng nhỏ phù hợp với các quán cafe, trà sữa nhỏ, ưu tiên bán mang về hoặc bán qua app đặt đồ ăn. Đối với những quán có diện tích nhỏ, quầy bar sẽ được thiết kế tối ưu nhất, sử dụng nhiều giá kệ để sắp xếp đồ dùng theo chiều cao, giúp tối ưu diện tích diện tích quán. Khi set up quầy bar này vẫn được chừa lại 1 lối đi để khách đứng order và chờ lấy đồ.
4.5. Quầy bar độc lập
Mẫu quầy bar này dành cho những quán cafe có không gian rộng. Quầy bar chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là order và pha chế, khách hàng thưởng thức đồ uống ở khu vực khác. Chính vì vậy, khu vực pha chế khi thiết kế quầy bar này khá độc lập, tách khỏi các khu vực khác. Từ đó giúp chống ồn và đem lại sự riêng tư, thoải mái hơn cho khách hàng khi trò chuyện.
Trên đây là những lưu ý khi thiết kế quầy bar/ pha chế cho nhà hàng hay cafe, trà sữa, bar, pub… Hi vọng qua những mẫu thiết kế quầy bar mà Blog Sapo gợi ích, bạn có thể có thêm nhiều ý tưởng để thiết kế, trang trí quán cho mình.