Bên cạnh giấy phép kinh doanh, giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng là tài liệu pháp lý chứng minh đối tượng được cấp phép đáp ứng đủ các điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng, quán ăn cần những gì? Đừng bỏ lỡ những thông tin trong bài viết dưới đây.
1. Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng là gì?
Phòng cháy chữa cháy là một tập hợp các giải pháp mang tính kỹ thuật, có liên quan đến việc loại trừ, hạn chế tới mức tối thiểu các nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn. Đồng thời nhanh chóng dập tắt khi đám cháy xảy ra, ngăn chặn cháy lây lan và xử lý thiệt hại về người cũng như tài sản.
Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy là một loại tài liệu pháp lý chứng minh nhà hàng đã đủ điều kiện pháp lý chữa cháy theo yêu cầu của pháp luật.
2. Tại sao nhà hàng, quán ăn cần xin giấy phép phòng cháy chữa cháy?
Kinh doanh nhà hàng, quán ăn bắt buộc phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Phụ lục I Ban hàng kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, nhà hàng cần phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy.
Khi kinh doanh nhà hàng, đặc biệt là khu vực bếp sẽ sử dụng nhiều bếp gas tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ. Do đó, nhà hàng cần đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy đầy đủ, hạn chế tối đa những nguy cơ xấu có thể xảy ra như cháy, nổ. Ngoài ra, bạn nên trang bị cho nhân viên kỹ năng xử lý nếu có sự cố xảy ra.
3. Điều kiện cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng?
Điều kiện cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng được pháp luật quy định như sau:
- Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm G khoản 3 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP
- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an
- Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
4. Thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà hàng
4.1 Hồ sơ cấp giấy phép
Theo quy định của Pháp luật tại mục IV theo nghị định số 79/2014, những hồ sơ mà nhà hàng cần phải chuẩn bị bao gồm:
- Một mẫu văn bản đề nghị chính quyền địa phương xem xét, cho phép về giải pháp phòng cháy chữa cháy của chủ nhà hàng/chủ đầu tư (nếu nhà hàng của bạn buộc phải ủy quyền cho một đơn vị khác, thì bạn bắt buộc phải đính kèm theo văn bản).
- Một bản sao công chứng có thẩm quyền văn bản cho phép đầu tư.
- Một bản dự thảo tổng số mức đầu tư từ dự án, công trình.
- Một bản vẽ đầy đủ và bản thuyết minh về thiết kế cơ sở để thể hiện những nội dung đảm bảo yêu cầu về luật phòng cháy chữa cháy.
4.2 Trình tự cấp giấy phép
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ cần thiết, chủ nhà hàng sẽ tiến hành nộp hồ sơ lên chính quyền địa phương và xin cấp phép:
- Bước 1: Tiến hành nộp hồ sơ lên cho Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Công an tỉnh hoặc thành phố. Chủ nhà hàng có thể nộp qua hai cách: nộp hồ sơ trực tiếp lên Văn phòng hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ cho sẵn.
- Bước 2: Sau khi đã nhận hồ sơ của bạn, cơ quan sẽ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ cho bạn.
- Bước 3: Trải qua từng giai đoạn thẩm quyết và thẩm duyệt hồ sơ.
Theo Nghị định 79/2014 thời hạn duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ sẽ không quá 5 – 10 ngày.
5. Chi phí làm giấy phép phòng cháy chữa cháy
Thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy là một thủ tục hành chính được quy định rõ ràng tại các khoản luật theo quy định của pháp luật. Khi tiến hành xin giấy phép, chủ nhà hàng sẽ mất một khoản phí phụ thuộc vào quy mô cũng như thiết kế của nhà hàng. Chi phí cho việc hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy dao động từ 500.000 đến 2.000.000 đồng với mỗi dự án.
Khi nhà hàng của bạn không có giấy phép phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật như sau:
- Mức phạt sẽ giao động từ 15.000.000 đồng cho tới 25.000.000 đồng với những hành vi tổ chức thi công, công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy khi chưa có chứng nhận nhận thẩm duyệt.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với những hành vi đưa những công trình khi sử dụng mà chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Tiến hành làm giấy phép phòng cháy chữa cháy không chỉ là quy định bắt buộc của pháp luật mà còn bảo vệ nhà hàng của bạn tránh những rủi ro không mong muốn. Những thông tin trên sẽ giúp chủ nhà hàng có sự chuẩn bị kỹ càng để hồ sơ được giải quyết nhanh chóng và đạt tiêu chuẩn, đảm bảo tính pháp lý của mình trong việc kinh doanh.
Xem thêm: Kinh doanh nhà hàng: Hướng dẫn 11 bước triển khai đúng cách dành cho người mới