Sau nhiều năm tích cóp vợ chồng tôi đang có một số vốn kha khá, tôi đang tính xây khách sạn, nhà nghỉ, nhưng không biết có nên kinh doanh khách sạn hay không? Với kế hoạch này tôi cũng đã hỏi ý kiến của nhiều người, đa số đều ủng hộ với quyết định của tôi, nhưng vợ thì có vẻ còn lo lắng và chưa ủng hộ ý kiến của tôi lắm.
Anh Hùng, Yên Bái
“Một vốn bốn lời” là cụm từ được nói nhiều khi đề cập tới việc kinh doanh khách sạn. Do đó ngành này đang trở nên thịnh hành trong những năm gần đây vì lợi nhuận “khủng”. Tuy nhiên, kinh doanh khách sạn cũng mang lại nhiều bất cập nhất định trong quá trình xây dựng và các thủ tục rắc rối cũng như nhiều hệ lụy trong quá trình kinh doanh khiến cho nhiều chủ đầu tư đau đầu trong việc lựa chọn có nên kinh doanh khách sạn hay không.
Với câu hỏi của bạn, Sapo xin đưa ra một số tiêu chí giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn, mong rằng sau khi đọc xong bạn sẽ tự giải đáp được cho mình câu hỏi: Kinh doanh khách sạn nên hay không?
Kinh doanh khách sạn đòi hỏi nhiều vốn và kiên trì
Vốn cho việc thuê địa điểm
Khách sạn thường phải được xây dựng ở các vị trí đẹp, giao thông thuận tiện nhằm cho khách hàng có thể dễ nhận ra và đi lại dễ dàng trong quá trình sử dụng. Việc đầu tư địa điểm ở các vị trí đẹp luôn đòi hỏi một lượng tiền rất lớn để thuê hay mua mặt bằng.
Nhà đầu tư cần xem xét kĩ vì việc kinh doanh khách sạn là một đầu tư mang tính chất dài hạn và tốn kém trong khi việc thay đổi địa điểm là gần như không thể. Chính vì những yêu cầu trên, nên kinh doanh khách sạn luôn phải chi ra một số tiền khá lớn trong việc quyết định thuê địa điểm nhất là những vùng trọng điểm như khu du lịch nổi tiếng hay các trung tâm thành phố lớn.
Có nên kinh doanh khách sạn hay không?
Chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng
Ngay sau khi đã quyết định được địa điểm, chi phí cho việc xây dựng cần được nhà đầu tư chú ý tới. Việc đảm bảo đủ vật liệu và duy trì được dự án cũng như chất lượng phải đảm bảo. Việc đầu tư này cũng cần kiểm tra kĩ lưỡng để tránh các bất cập trong xây dựng nhằm chắc chắn chất lượng lâu dài của khách sạn.
Chi phí duy trì khách sạn
Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư phải tiếp tục chi một khoản lớn cho việc duy trì hoạt động của khách sạn. Khoảng thời gian đầu của khách sạn luôn sẽ là thời gian vắng khách khiến cho thu nhập cho chủ đầu tư không đảm bảo trong khi họ vẫn phải chi ra một số tiền lớn hàng tháng như trả lương nhân viên, các hóa đơn điện, nước, gas, điện thoại…
Việc có được lượng khách hàng tối thiểu hàng tháng cần một thời gian dài sau khi hoạt động. Do đó, khi kinh doanh khách sạn cần phải kiên trì trong việc thu lại vốn. Có rất nhiều nhà đầu tư không thể tiếp tục kinh doanh khách sạn sau một thời gian vì không còn đủ vốn chi trả cho chi phí hàng tháng.
Thời gian thu hồi vốn lâu, lãi suất tăng cao
Để có thể xây dựng được một khách sạn, nhà đầu tư có thể sẽ phải đi vay một khoản lớn từ ngân hàng và chịu một số tiền lãi khổng lồ mỗi tháng. Bên cạnh đó, lợi nhuận thu được mỗi tháng lại rất nhỏ so với số tiền mà họ bỏ ra, việc đó có thể gây ra áp lực lớn cho các nhà đầu tư.
Địa điểm kinh doanh có thực sự phù hợp
Có nên kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ hay không?
Những khu vực nào phù hợp
Việc lựa chọn địa điểm để xây dựng luôn là một bài toán khó vì đòi hỏi sự nghiên cứu kĩ lưỡng và tỉ mỉ của các nhà nghiên cứu thị trường trước khi quyết định vị trí thuê mặt bằng kinh doanh.
Thường các vị trí như khu du lịch nổi tiếng hay các thành phố đông đúc, các khu vực nhiều hoạt động như: hội nghị, tiệc cưới, sự kiện lớn nhằm có một lượng khách hàng nhất định. Sau khi lựa chọn được vùng kinh doanh thì cần khảo sát thị trường ở đó như thế nào, liệu nó có cần một khách sạn đặt ở đó hay không?
Có thể địa điểm đó là nơi du lịch ngắn ngày, các sự kiện nhỏ không cần phải ở lại hay họ không sẵn sàng chi trả cho việc ở một khách sạn thay vì họ có thể nghỉ lại ở một nhà nghỉ bình dân.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên phân tích xu hướng phát triển của địa điểm đó, liệu trong thời gian tới ở đó ngành khách sạn có phát triển được hay không? Các cơ hội mà khi kinh doanh khách sạn ở đó nhận được cũng như các thách thức mang lại.
Tình hình cạnh tranh ở đó
Liệu vị trí mà chủ đầu tư hướng tới đã có nhiều khách sạn ở đó chưa? Khách sạn của mình có đủ khả năng để cạnh tranh với các khách sạn khác hay không? Khách sạn của mình sẽ lựa chọn chiến lượng người dẫn đầu hay kẻ theo sau? Nếu như không đủ khả năng để cạnh tranh ở đó thì nên cân nhắc có nên xây dựng ở vị trí đó không.
Những bất cập trong kinh doanh khách sạn
Các thủ tục, giấy tờ trong việc xin giấy phép kinh doanh khách sạn
Khâu xin giấy phép của việc kinh doanh khách sạn cũng là một vấn đề nan giải nếu thiếu hiểu biết thực tế. Việc xin giấy phép ở các ban ngành có liên quan sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức vì đây là ngành kinh doanh khá nhạy cảm. Khu vực định kinh doanh liệu có gây khó khăn trong việc xin giấy tờ?
Do đó, khi quyết định kinh doanh khách sạn cần phải tìm hiểu kĩ các thủ tục để tránh gặp rắc rối trong quá trình kinh doanh.
Các vấn đề trong việc quản lí
Kinh doanh khách sạn luôn luôn là một loại hình khó trong việc quản lí. Chủ đầu tư luôn phải đặt ra nhiều câu hỏi như: cần bao nhiêu người để quản lý đủ số phòng? Cần gì ở người quản lí? Tư chất của họ có tốt không, trung thực và biết cách đối xử với nhân viên và khách hàng hay không? Làm sao để nhà đầu tư biết được số khách ra vào hàng ngày cũng như làm sao để biết nhà quản lí không bớt xén trong việc thu tiền…
Ngoài ra, nhiều khách hàng sau khi nghỉ lại, họ không đủ khả năng chi trả khi trả phòng thì nhà quản lí phải xử lí thế nào? Vì thế việc lựa chọn nhà quản lí luôn cần phải kĩ lưỡng.
Các vấn đề về phòng ốc và giá cả
Trên thị trường khách sạn bây giờ có rất nhiều loại từ 0 sao tới 5 sao, do đó việc lựa chọn thiết bị trong phòng luôn cần cân nhắc (cao cấp, trung cấp hay bình dân)? Trong quá trình khách sử dụng gây ra thiệt hại về phòng thì sẽ được xử lí như thế nào? Ngoài ra, giá cả từng phòng sao cho hợp lí, nên dựa theo chi phí hay theo đối thủ cạnh tranh để tính giá, có nên thay đổi giá theo mùa, đợt lễ hay không?
Các tệ nạn xã hội
Một tình huống “muôn thuở” mà rất nhiều khách sạn gặp phải là tình trạng các tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, đánh bạc) tìm tới không gian riêng tư mỗi phòng khách sạn.
Mỗi khi các vụ việc này xảy ra tại khách sạn, không chỉ tối tượng bị phạt mà cả chủ khách sạn cũng sẽ bị liên quan. Mức độ sẽ là bị phạt hành chính, thu hồi giấy phép, hoặc đóng cửa cơ sở, tùy theo khả năng “xoay xở” của chủ khách sạn. Không những thế, điều này còn có thể làm mất hình tượng mà khách sạn đang cố xây dựng.
Sau những vấn đề mà nhà đầu tư phải nghiên cứu kĩ lưỡng cũng như các bất cập khi kinh doanh khách sạn mà bạn sẽ gặp phải. Việc quyết định kinh doanh cần được cân nhắc, nâng lên đặt xuống, do đó bạn cần đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu của bạn, cơ hội thách thức mà bạn phải đối mặt để lựa chọn có nên kinh doanh khách sạn hay không?
Chúc bạn thành công!