Bỏ túi kinh nghiệm mua nhà phố [An toàn] cho người mới

Chắc hẳn ai đó cũng sẽ có nhu cầu đi mua nhà phố. Cho dù là mua để ở hay mua để kinh doanh, thì đều cần phải nắm những nguyên tắc cơ bản để chọn một căn nhà AN TOÀN. Có rất nhiều thứ để lưu ý khi đi mua nhà, trật một xíu là thấm đòn ngay.

Với kinh nghiệm hơn chục năm làm môi giới nhà phố. Sau đây mình tổng hợp các tiêu chí khi mua nhà phố dành cho những ai lần đầu làm chuyện ấy. Kèm theo đó là những điều cần tránh khi đi mua nhà để mọi người có thể chọn được cho mình mái ấm phù hợp nhất.

Tiêu chí pháp lý khi mua nhà phố

Đây là tiêu chí quan trọng nhất trong việc lựa chọn một căn nhà, cho dù để ở hay kinh doanh.

Kiểm tra quy hoạch nhà

Để xác định nhà có dính quy hoạch hay không, trước hết hãy thử trên các phần mềm/App tra qui hoạch hiện có. V.d ở TP.HCM thì có thể tra ở web: https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn/ban-do-quy…. Tham khảo trên web/App chỉ là bước đầu, không nên hoàn toàn dựa vào đó, vì có thể có những quy hoạch mới chưa được cập nhật, hoặc một số quy hoạch đã bỏ. Để chắc ăn, tốt nhất hãy ra cả phường và quận kiểm tra quy hoạch, thường họ sẽ trả lời miệng, còn chắc ăn thì làm đơn xin trả lời bằng văn bản (thường mất khoảng 10-15 ngày nếu xin trên quận).

Trường hợp nếu tra trên web, căn nhà đã dính quy hoạch (v.d quy hoạch đường giao thông), trong khi đó chủ nhà có văn bản trả lời quy hoạch từ phía quận là quy hoạch đó đã bỏ, hoặc khi lên quận hỏi quận cũng có câu trả lời tương tự. Lúc này thường sẽ xuất hiện 2 luồng suy nghĩ, Mua hay Không mua. Khi gặp những trường hợp này, tốt nhất nên tìm cơ hội khác. Cho dù ở hay sửa lại để kinh doanh, đến khi bạn cần bán thì đa số người mua đều rất ngại mua nhưng căn nhà như vậy, từ lúc họ tra quy hoạch online thấy dính quy hoạch là họ thường bị dội và không muốn đến coi.

Nên kiểm tra thêm QHSDĐ đến 2030. Thường đang là bản thảo nên vẫn có thể thay đổi (kể cả đã phê duyệt thì cũng có thể thay đổi). Nên cơ bản kiểm tra để giúp bạn định hướng đầu tư và tránh được rủi ro bị thu hồi, chờ đền bù giải tỏa (ít nhất tại thời điểm mua và vài ba năm sau đó). Quan sát thêm xung quanh nhà đất định mua, nếu có nhiều mảng xanh, nhiều chỗ trống…thì chú ý vì dễ bị lập dự án bởi các CĐT lớn hoặc căn nhà đó có nguồn gốc đất không ổn (phù phép đất CVCX thành đất ở).

Một cách khác để chắc chắn thêm về quy hoạch, đó là vay mua qua ngân hàng. Ngân hàng chính là 1 kênh pháp lý hữu hiệu giúp chúng ta kiểm tra quy hoạch, vì nếu căn nhà có vấn đề về quy hoạch, chắc chắn ngân hàng sẽ từ chối cho vay.

Nhà bán có đang bị tranh chấp không?

Đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Thường để xác định ngôi nhà có bị tranh chấp hay không, khi công chứng HĐMB thì văn phòng công chứng sẽ thường kiểm tra các yếu tố tranh chấp. Tuy nhiên, mình chắc rằng phòng công chứng không thể 100% phát hiện được yếu tố tranh chấp. Đây là trường hợp thực tế tôi đã gặp phải. Sau khi mua nhà phố xong, tôi tiến hành sửa nhà, và bị nhà bà hàng xómg qua cà khịa, nói rằng nhà đang tranh chấp, có sửa cũng không bán được. Tìm hiểu sâu xa mới biết bà hàng xóm đã kiện cáo ngôi nhà tôi mua từ rất lâu rồi, gửi đơn khắp nơi từ phường, đến quận và thành phố (đây đúng là tình huống tôi không ngờ tới, mặc dù bà ta không thể đưa ra bằng chứng kiện nhà tôi vì việc gì).

Sau đó, tình cờ tôi đi lòng vòng xung quanh, mới để ý thấy bức tường nhà bà ta có ghi chi chít chữ rằng nhà tôi và một căn nữa bên cạnh đang ở diện tranh chấp. Như vậy, bài học kinh nghiệm khi mua nhà cũ là hay quan sát thật kỹ các dấu hiệu có thể liên quan đến yếu tố tranh chấp nhà, hoặc hỏi càng nhiều người hàng xóm xung quanh nhà, bà bán nước đầu hẻm, càng nhiều càng tốt, không thừa. Thường nếu nhà hàng xóm cạnh nhà mình có vấn đề, thì bà con hàng xóm gần đó sẽ e ngại hoặc từ chối chia sẻ thông tin. Cũng liên quan đến vấn đề này, khi tôi yêu cầu bank đến thẩm định vay cho bên định mua, khi bank đang đo đạc căn nhà tôi, bà hàng xóm ra bỏ nhỏ rằng nhà này đang tranh chấp. Bank liền từ chối cho vay ngay lập tức, yêu cầu tôi phải ra phường làm đơn xác nhận nhà không thuộc diện tranh chấp. Tưởng chừng yếu tố này không quan trọng, nhưng thực tế khi gặp phải chúng ta rất đau đầu. Hãy cẩn thận, không thừa chút nào.

Một cách nữa có thể kiểm tra việc tranh chấp là thông qua bác tổ trưởng, hoặc anh công an khu vực. Nếu thực sự bạn rất thích căn nhà đó rồi, thì hãy nên hỏi gặp bác tổ trưởng, anh công an khu vực, mua gói quà nhỏ tặng họ và hỏi thăm tình hình khu vực đó. Tôi tin chắc rằnng họ sẽ cho chúng ta thông tin xác thực.

Bài viết kinh nghiệm đầu tư nhà phố

  • Chia sẻ thời điểm nào nên mua nhà và lúc nào thì nên bán nhà
  • Nhà đất sổ chung là gì? Có nên mua nhà sổ chung không?
  • Bí quyết chọn đất để làm Farmstay/Farmhouse thành công

Tìm hiểu về tình trạng sở hữu của ngôi nhà

Nếu có thể nên kiểm tra thêm về tình trạng đồng sở hữu, sở hữu hộ gia đình, hôn nhân (có một số trường hợp cũng khá rắc rối), nợ thuế, ủy quyền nhiều lần, bị cầm cố thế chấp, bị chiếm hữu, chủ thật, chủ giả, sổ thật, sổ giả, bị ngăn chặn giao dịch, bị kiện tụng, bị kê biên, bị nợ xấu, vay nhiều người (đồng thời vay cả ngân hàng và vay xã hội), nhận cọc nhiều người (bị rất nhiều nên khi đặt cọc nên chọn cọc công chứng để giảm thiểu rủi ro này), bị chồng ranh, bị lấn chiếm (mấy chỗ hẻm xe hơi hay bị chiếm thành chỗ bán đồ ăn xe bạn không ra vào được)…

Nhà phố bán qua giấy ủy quyền có an toàn không?

Có thể bạn gặp trường hợp khi gặp chủ nhà đặt cọc, họ đưa ra sổ hồng không có tên họ, và đi kèm là giấy ủy quyền của người cuối cùng có tên trên sổ, uỷ quyền cho họ bán nhà. Đây là một thủ thuật để bên bán cho bạn tránh không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên theo kinh nghiệm khi đi mua nhà lần đầu của của mình, nếu bạn chấp nhận mua qua ủy quyền thường mức độ rủi ro rất cao nếu bạn bị chủ trước đó (bên ủy quyền) lật kèo một cách có chủ định. Tôi đã từng mua 1 căn mà bên bán đưa ra hợp đồng ủy quyền, họ nói rằng bên bán cho họ là người em đang ở nước ngoài, không về được nên trước khi đi nước ngoài, họ ủy quyền cho ông ta bán giúp nhà.

Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến Luật sư, tôi yêu cầu bên bán phải yêu cầu bên ủy quyền cho họ xuất hiện, nếu không tôi sẽ không mua. Sau đó, thì bên bán liên hệ được với bên ủy quyền (thực chất họ vẫn ở Sài Gòn, không phải ở nước ngoài), tôi yêu cầu họ ra phòng công chứng huỷ hợp đồng ủy quyền và tôi ký thẳng với bên bán trước đó (người đang có tên trên sổ). Nếu bạn gặp trường hợp tương tự, hãy nên làm như tôi, để tránh những yếu tố pháp lý gây bất lợi cho chúng ta mà chúng ta không thể lường trước được.

Kinh nghiệm cần biết khi mua nhà phố cho người mới

Tiêu chí cảnh quan xung quanh – Hàng xóm bên láng giềng

Khu vực định mua nhà có bị ngập nước hay không?

Ở Sài Gòn có nhiều khu vực khi mua hoặc triều cường thì ngập rất nặng. Chắc chắn bạn không hề muốn mua 1 căn nhà nhỏ ở khu vực mà khi mua to hoặc triều cường phải đi xuồng vào nhà. Vì vậy, cần quan sát kỹ khu vực xung quanh nhà. Thường kinh nghiệm cho thấy nếu khu vực thường xuyên bị ngập, thì chân tường các nhà xung quanh đều có dấu vết của rêu ở trên cao, và nền nhà thường khá cao. Nếu gần đó có nhà xây mới, hãy để ý nền nhà của họ, vì thường nhà xây mới họ sẽ xây nền rất cao nếu khu vực đó thường xuyên bị ngập. Và câu chuyện hỏi thăm hàng xóm, bà bán nước đầu hẻm thường không thừa. Bỏ ra 10-15k làm chai nước hay ly cafe vỉa hè là có thể hỏi rất nhiều thông tin hữu ích. Nếu bạn mua nhà nhỏ vào mùa khô, không có mưa lớn để kiểm chứng độ ngập của khu vực đó thì cần phải kiểm tra hết sức kỹ lưỡng.

An ninh, an toàn xung quanh khu vực căn nhà

Bằng cảm quan quan sát xung quanh căn nhà, thường chúng ta sẽ cảm nhận được đây là khu vực có an ninh, an toàn hay không. Nếu căn nhà đã ở trong tầm ngắm của bạn, thì đừng vội xuống tiền cọc ngay sau khi coi. Hãy đến coi ít nhất 2-3 lần nữa, vào các thời điểm khác nhau trong ngày, bao gồm ban ngày và buổi tối. Tôi đã đụng phải trường hợp đến coi nhà vào buổi tối, khu vực xung quanh căn nhà rất yên tĩnh, tuy nhiên khi đến coi vào ban ngày, thì rất ồn, vì khu vực đó nuôi rất nhiều gà chọi, chúng gáy liên tục vào thời điểm ban ngày. Hoặc sẽ có trường hợp chúng ta đến vào thời điểm ban ngày rất yên tĩnh, nhưng buổi tối bà con hát Karaoke hoặc nhậu nhẹt ầm ĩ.

Cũng bằng cảm quan, nếu khi đến coi nhà, chúng ta thấy bà con hàng xóm thường xuyên to tiếng, nói tục chửi bậy, thì mình khuyên chúng ta nên tìm cơ hội khác, trừ khi chúng ta còn chửi hay hơn họ. Chắc chắn chúng ta không muốn bản thân chúng ta và con cái sống trong một môi trường mà bà con suốt ngày nói tiếng Đan Mạch.

Yếu tố phong thủy trong ngôi nhà định mua

Nhà có người tự tử, bị giết hại trong nhà, trọng tâm lô đất cân xứng không, bị đâm đường, đâm hông, đâm lưng, hoặc bị các lô đất khác đâm vào, cống nước thải, hố ga, cây đa, tủ điện, đường điện cao thế, cột điện, chùa, miếu, sát nghĩa địa, nhà xác, bãi rác hoặc đơn giản chỗ bố trí WC, kho nhà bên cạnh lại giáp với các vị trí quan trọng nhà mình định mua.

Các tiêu chí khác cần xem xét thêm

  • Nhà có gần mương thoát nước hay không? (thường mùi rất hôi),
  • Có gần khu mả mộ hay không? nên đồng thời kiểm tra cả trên Maps, quy hoạch và thực tế vì nhiều chủ họ sẽ quây tôn, trồng cây rất cao… để che chắn nên bạn chú ý khi thấy tường thì nhòm qua khe chắn, leo rào để xem…,
  • Nhà có gần bãi tập kết rác hay không?
  • Có gần nơi tiềm tàng nguy hiểm hay không? (ví dụ xưởng sản xuất, cửa hàng gas, tiệm hàn, đường dây điện cao thế, v.v.). Cá nhân tôi đã đụng phải trường hợp nhà bà hàng xóm ngay phía bên ngoài hẻm bán bóng bay, mỗi lần khách đến coi mua nhà nhìn thấy cái bình gas bơm bóng, hầu hết đều quan ngại sâu sắc.
  • Nhà gần chùa cũng là một yếu tố cần cân nhắc. Nhiều người rất ngại mua nhà gần chùa, vì họ e ngại vấn đề tâm linh, và chùa thường tụng kinh vào một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là sáng sớm (khoảng 4h sáng). Nếu bạn là phật tử, bạn mua để ở thì không phải vấn đề lớn, nhưng nếu bạn mua để kinh doanh, thì cần lưu ý yếu tố này.
  • Các yếu tố an toàn xã hội, môi trường xung quanh: Tệ nạn xã hội, bảo kê, cờ bạc, đá gà, buôn bán chất cấm, trộm cướp, mại dâm, cắt tóc dịch vụ, móc túi, ồn ào, dân trí khu vực, dân cư thân thiện, hòa đồng không?…
  • Nhà có gần các dự án đang triển khai, khai khoáng, tháo dỡ….thông thường dự án khai thác đất, cát, đá kéo dài nhiều năm nên việc xe ben di chuyển khá phức tạp, các dự án triển khai khác thì kéo dài vài ba năm…bị sạt lở, lún…
  • “Trào ngược” WC, nước thải rút kém, hôi thối từ cống thải, mùi từ các cơ sở sản xuất, từ kênh rạch, khu xử lý thải…

Đánh giá kỹ thuật – chất lượng của nhà phố cần mua

Chất lượng nhà cần mua ra sao?

Nếu mua nhà của chủ gốc, thì nên quan sát kỹ xem chất lượng căn nhà ra sao. Một căn nhà có kết cấu vững chắc, được trang bị các thiết bị tốt thì chúng ta sẽ bớt tiền sửa chữa. Quan sát kỹ các vách tường, nơi tiếp giáp mái xem có nứt, tường có bị ngấm hay không. Một điểm thường mọi người hay bỏ qua, không chú ý đó là đường nước thải. Phải kiểm tra kỹ đường nước thải ra khu vực nào, đi thẳng ra cống phía trước nhà hay đi ra phía sau, đi qua nhà hàng xóm. Chắc chắn nếu bạn ở bạn không muốn rơi vào cảnh đường ống bị nghẹt, trong khi đó bạn không thể đào đường thoát nước nên để kiểm tra sửa chữa.

Kinh nghiệm đi mua nhà của mình là nếu mua nhà của các bên kinh doanh nhà chuyên nghiệp, cho dù họ sửa sang hay xây mới, thì đa phần là chất lượng không đảm bảo. Hãy cân nhắc kiểm thật kỹ, một căn nhà nhìn đẹp nhưng chưa hẳn đã chất lượng. Rất ít người kinh doanh chuyên nghiệp có tâm làm 1 căn nhà chất lượng thật tốt để bán lại (trừ mình là số ít trong đó, vì thường mình cho sửa rất kỹ, trang bị đồ khá tốt).

Cần đánh giá nhanh mức độ sửa chửa nhà (nhiều hay ít, có cần xin cấp phép hay không) để dự toán chi phí và khả năng khó/dễ khi tiến hàng xây xửa nhà.

Diện tích nhà phố có chênh lệch nhiều với sổ hồng không?

Nên đem theo thước đo để đo chính xác diện tích nhà xem có sai lệch với diện tích trên sổ hay không. Nếu sai lệch lớn, có thể cân nhắc thoả thuận trừ tiền mua, hoặc nếu thấy quá rủi ro bất thường, nên tìm cơ hội khác, vì chắc chắn sau này nếu bạn xây sửa, bạn sẽ đụng chạm với nhà hàng xóm.

Rất nhiều nhà chờ hoàn công xong là họ sửa chứa, xây lấn diện tích, hoặc khi họ mua sửa lại không xin cấp phép, không cập nhật sổ. Khi mua nếu bạn đăng bộ ra sổ mới, bên quận sẽ xuống đo lại nhà, kiểm tra lại tình trạng nhà (hiện giờ vấn đề này làm rất chặt). Nếu hiện trạng nhà sai so với sổ, bạn sẽ không đăng bộ được, hoặc sẽ phải chi một số tiền khá lớn để bôi trơn. Căn cứ vào thực trạng căn nhà, bạn có thể quyết định mua hay không, thương lượng giá với bên bán như thế nào tuỳ thuộc vào mức độ sai lệch của căn nhà. Nhiều khi vấn đề tưởng bé lại là vấn đề rất lớn.

Nhà bị tóp hậu có dễ bán không?

Đại đa số người mua thường kiêng yếu tố tóp hậu, cho dù họ là dân kinh doanh hay không. Vì là lần đầu đi mua nhà chưa có kinh nghiệm, đôi khi chúng ta có thể tặc lưỡi vì giá rẻ, hoặc vì chúng ta coi vấn đề đơn giản nên chấp nhận mua. Tuy nhiên, nếu bạn mua để sửa bán, thì cần hết sức lưu ý vấn đề này, vì thường bạn phải mất rất nhiều thời gian công sức, hoặc phải trả bên môi giới phí rất cao, bán giá rẻ mới có thể ra hàng được. Đôi khi chúng ta hay đi ngược xu hướng đám đông, nhưng trong trường hợp này thì lời khuyên của mình là các bạn hãy đi theo xu thế của đám đông, nó sẽ có lợi hơn cho mình rất nhiều.

Nghiên cứu các chỉ tiêu quy hoạch – xây dựng

Cần tìm hiểu kỹ quy hoạch xây dựng nơi căn nhà cần mua để biết bạn sẽ được phép xây dựng, sửa chửa ra sao (chiều cao xây dựng, bao nhiêu tầng lầu). Nếu sửa chữa ít, có thể gặp bên địa chính phường, có chút tình cảm cafe là có thể xây sửa. Nhưng nếu sửa chữa nhiều, thì khả năng phải xin cấp phép xây dựng trên quận là rất cao, thủ tục này thường rất phức tạp, mất thời gian.

Tiêu chí tiện ích nào ảnh hưởng đến quyết định mua nhà

Thường đa số khi chọn vị trí mua nhà, chúng ta thường nhắm tới việc thoả mãn một hoặc vài tiêu chí cụ thể. Có thể là gần trường học của con mình, gần cơ quan, gần bệnh viện, gần trung tâm giải trí, gần chợ, v.v. Hãy chọn ra tiêu chí quan trọng nhất để chúng ta lựa chọn 1 vị trí cho phù hợp. Ở góc độ mua nhà để kinh doanh, mình hay chọn tổng hoà các yếu tố như gần chợ, bệnh viện, khu ẩm thực, mua sắm, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, v.v. Cho dù ở hay bán lại thì đều thuận tiện, dễ ra hàng.

Không nên bỏ qua thẩm định vay ngân hàng khi mua nhà phố

Cũng có rất nhiều người không để ý tiêu chí vay ngân hàng, rồi sau khi cọc xong, hoặc mua xong nhà, mới ngã ngửa ra là nhà mình không đủ điều kiện vay. Chắc hẳn nhiều người sẽ hỏi vậy điều kiện để vay được là gì? Hiện giờ các ngân hàng đang đánh giá tiêu chí vay rất chặt chẽ, thường các tiêu chí sau sẽ là các tiêu chí chính để ngân hàng đánh giá tài sản có đủ điều kiện vay hay không:

  • Bề rộng hẻm tối thiểu 2m
  • Bề rộng nhà nhỏ phải tối thiểu 3m
  • Tổng diện tích nhà tối thiểu 20m2
  • Nhà không bị dính quy hoạch (đương nhiên), và không bị tranh chấp (trường hợp tôi nêu ở trên, chỉ vì một lời bỏ nhỏ của nhà hàng xóm mà ngân hàng thông báo không đủ điều kiện vay).
  • Hiện trạng nhà không bị sai lệch so với sổ (về diện tích, về kết cấu)

Vậy nên, nếu một căn nhà đã vào tầm ngắm, tốt nhất bạn thử liên hệ với 1-2 bank, yêu cầu họ đến thẩm định cho mình. Cho dù ngay lúc đó bạn có nhu cầu vay thế chấp chính căn nhà đó hay không, thì bạn cũng được bank thẩm định pháp lý một cách miễn phí (tất nhiên bạn nên fair, cho em thẩm định hoặc em thụ lý hồ sơ ít tiền cafe cho vui vẻ, nhưng rõ ràng là bạn được lợi về thông tin pháp lý của căn nhà).

Bài viết kinh nghiệm mua nhà phố dành cho người mới đây được tôi chia sẻ trên đều là kinh nghiệm thực chiến, chiến một cách đúng nghĩa (có thời điểm gần như đã phải sử dụng đến anh em XH để giải quyết mâu thuẫn cao điểm với hàng xóm). C

Những câu hỏi cần lời giải trước khi chốt cọc mua nhà

  1. Nhà mua vào có dễ không ?
    • Nhà này xây lâu chưa
    • Chất lượng xây dựng thế nào (tường xây chắc không, có thẳng tường không, xây ngay cột không, sơn có bong tróc không…)
    • Hướng cửa chính, cửa sổ
    • Diện tích nhà, bao nhiêu lầu, số phòng ngủ, số tolet ra sao.
    • Chất lượng nội thất (nếu mua nhà kèm theo nội thất)
    • Điện, nước, internet…. (giá cả, tính ổn định…)
    • Khu này có kẹt xe, ngập nước không (coi cái nhà mình tính mua và những nhà xung quanh thì biết là khu này có ngập hay không – cái thềm nhà nó đánh giá tất cả).
    • Chủ nhà đang bán là đời đầu hay đã qua F1,2…
    • Lý do tại sao bán (nhỡ có người bệnh, chết cháy, có người chết oan, thiếu nợ…., biết để chuẩn bị tâm lý, tùy người mua dám hỏi hay không)
    • Từ nhà ra đường chính thì dài bao nhiêu, hẻm ngang nhiêu, hẻm có cống + cột điện nhiều không; nhà tránh cống, cột điện càng tốt, có cửa sau thì quá tuyệt…
    • Sổ hồng đúng chính chủ rao bán.
    • Sổ riêng hay sổ hồng đồng sở hữu.
    • Đã hoàn công chưa.
    • Khu vực có bị quy hoạch gì không.
    • Có chung tường với nhà hàng xóm không.
    • Nhà thực tế có giống với bản vẽ sổ hồng.
    • Nhà vuông vức hay đuôi chuột/tót hậu. (Nhà ngon là cạnh rộng bằng 2/3 cạnh dài)
    • Trước nhà có nắp cống/trụ điện lớn/cây lớn hoặc con đường cắm thẳng vào nhà bởi điều này theo phong thủy là không tốt.
    • Số nhà có nhiều xẹc không.
    • Nhà đang bị tranh chấp không.
    • Ban ngày thì đông đúc không, ban đêm thế nào
    • Giá tiền chốt là bao nhiêu, phương thức thanh toán thế nào, giao nhà khi nào (hoa hồng của môi giới, thuế tính sao, giá bán sao, giá khai thuế sao….), cái này thì 3 mặt một lời (người mua, người bán, môi giới), ghi rõ ràng nội dung vào hợp đồng cọc.
  2. Vay ngân hàng mua có dễ không? Có cầm cố thế chấp được không?
  3. Mua xong có dễ cho thuê không?
  4. Muốn bán lại thì bán có dễ không?
  5. Khi mua xong về ở đó dễ không?
    • Có gần trường học của con, gần chỗ làm của hai vc.
    • Có gần chợ/siêu thị, quán xá…
    • Có bị ngập thúi mùa mưa.
    • Có nhiều quán xá nhậu nhẹt đêm khuya.
    • Hàng xóm coá thói quen hát Karaoke kẹo kéo.
    • Hướng nhà coá đón được gió ở hướng Nam hay Đông Nam. Đây là 2 hướng khí hậu ôn hòa, gió lành.
    • Nhà sát bên là chùa/nghĩa trang/cửa hàng bán quan tài…

Khi quyết định tìm mua cho mình một căn nhà để AN CƯ LẠC NGHIỆP là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy không nên nóng vội, cần phải có thời gian để xem xét các tiêu chí quan trọng, giúp chúng ta tránh được rất nhiều rắc rối sau này cũng như những sai lầm khiến phải tốn kém/trả giá những khoản không cần thiết/vô lý sau này.

Nguồn: Tony Hiếu + Phượng Thạch – Cộng đồng BĐS

https://giaphucland.com

Các bài viết cùng chuyên mục

  1. Cách nhận biết sốt đất và phân tích các chu kỳ của con sóng BĐS
  2. Khi lạm phát cao thì bất động sản sẽ tăng hay giảm giá?
  3. Bí quyết chọn đất để làm Farmstay/Farmhouse thành công
  4. Chia sẻ thời điểm nào nên mua nhà và lúc nào thì nên bán nhà