Bài học 6: Tại sao hợp đồng cọc cần ghi rõ tên văn phòng công chứng?

Nếu các bạn thường xuyên giao dịch chuyển nhượng nhà đất thì nên đọc bài viết này. Nếu không khi tranh chấp xảy ra thì giải quyết cũng khá mệt. Vậy tại sao hợp đồng cọc cần thể hiện rõ tên văn phòng công chứng?

Sự việc xảy ra khi hợp đồng cọc không thể hiện rõ tên văn phòng công chứng

Hiện nay, đa phần hợp đồng đặt cọc các bên chỉ thỏa thuận chung là: trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày…đến ngày…) hai bên sẽ ra tổ chức công chứng để ký hợp đồng chuyển nhượng. Thực tế có tình huống như sau: đến hạn công chứng, ông Hoàng (bên nhận cọc) gọi cho bà Sương (bên đặt cọc) yêu cầu ra văn phòng công chứng (VPCC) A để ký hợp đồng. Nghe điện thoại, bà Sương chỉ nói Ok và tắt máy. Sau đó ông Hoàng đến VPCC A chờ mãi nhưng không thấy bà Sương đến. Ông Hoàng yêu cầu Thừa phát lại đến lập vi bằng, ghi nhận sự kiện mình đã đến VPCC A để chờ ký hợp đồng nhưng bà Sương không đến.

Thực tế bà Sương “lướt cọc”, “ăn lúa non” nhưng chưa tìm được người mua và bà Sương cũng chưa chuẩn bị đủ tiền nên không thể ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng với ông Hoàng như đã thỏa thuận. Nhưng không thể để mất cọc được nên sau khi nghe điện thoại của ông Hoàng xong, bà Sương đã nhờ ông bạn làm Luật sư tư vấn. Sau khi được tư vấn pháp lý, bà Sương đã đến VPCC B ngồi đợi. Tại VPCC B, bà Sương có lập phiếu yêu cầu công chứng, ghi rõ yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng đúng thửa đất, tờ bản đồ mà các bên đã đặt cọc và ghi tên bên chuyển nhượng là ông Hoàng. Hết giờ làm việc hôm đó, bà Sương nhờ VPCC B lập biên bản làm việc ghi nhận hôm đó bà có đến VPCC B ngồi chờ nhưng không thấy bên chuyển nhượng đến ký hợp đồng.

Hợp đồng cọc cần ghi rõ tên văn phòng công chứng

Quyết định của tòa án: Bên bán trả lại tiền cọc cho bên mua

Các bên tranh chấp nên dẫn nhau ra Tòa. Ông Hoàng cho rằng mình đã đến VPCC chờ nhưng bà Sương không đến là từ chối việc chuyển nhượng, vi phạm hợp đồng đặt cọc nên phải mất cọc. Bà Sương nộp cho Tòa án phiếu yêu cầu công chứng và biên bản làm việc đã lập ở VPCC B.

Giải quyết vụ án, Tòa án cho rằng hợp đồng đặt cọc các bên không thỏa thuận rõ sẽ ký hợp đồng công chứng tại tổ chứng hành nghề công chứng nào. Trong 30 ngày đó các bên cũng không có thỏa thuận thêm về vấn đề này. 02 bên đều không đưa ra được chứng cứ chứng minh đã thỏa thuận sẽ đến 01 tổ chức hành nghề công chứng cụ thể để ký hợp đồng trong khi đó bà Sương thì đến VPCC B, ông Hoàng thì đến VPCC A. Do đó, trường hợp này lỗi dẫn đến hợp đồng công chứng không ký kết được là thuộc về cả 02 bên. Từ đó ông Hoàng phải trả lại tiền cọc cho bà Sương và không phạt cọc/mất cọc trong trường hợp này (coi như hòa).

Bài viết về công chứng nên tìm hiểu thêm

  • Nhà xây nhầm sang đất hàng xóm có công chứng được không?
  • Rủi ro khi đặt cọc công chứng và hướng giải quyết thực tế
  • Rủi ro khi mua bán nhà đất bằng hợp đồng ủy quyền toàn phần

Đáng ra với sự thật khách quan thì vụ án này bà Sương phải mất cọc nhưng do các bên lập hợp đồng không rõ ràng nên bà Sương đã lấy lại được mấy trăm triệu tiền cọc. Nghe nói về sẽ thưởng lớn cho Luật sư đã tư vấn cho phương án này không biết có thực hiện không.

Mình không cổ súy cho những người không ngay tình, do đó, nêu ra tình huống này để nhắc nhở mọi người. Tốt nhất, có thể ghi rõ trong hợp đồng đặt cọc là đến ngày công chứng thì sẽ đến tại VPCC A để ký hợp đồng. Nếu VPCC A lúc đó đóng cửa hoặc ngừng hoạt động thì chuyển qua phòng công chứng số 1, số 02 gì đó. Nếu tất cả tổ chức công chứng đã thỏa thuận nêu trên đều không thể công chứng thì công chứng tại tổ chức nào sẽ do bên đặt cọc (hoặc bên nhận cọc) quyết định và thông báo cho bên kia biết (bằng văn bản chẳng hạn) hoặc nếu hợp đồng không ghi rõ tổ chức công chứng nào thì trong thời hạn đặt cọc hai bên nên xác nhận với nhau 01 tổ chức công chứng cụ thể (bằng văn bản, tin nhắn điện thoại (đừng nhắn zalo vì dễ xóa).

Xem thêm bài viết tương tự

  1. Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi đặt cọc mua nhà đất
  2. 6 điều cần phải biết trước khi đi mua đất đầu tư
  3. Các giai đoạn làm pháp lý dự án thấp tầng – Sổ đỏ là sổ đỏ nào?
  4. Bản chất của quy hoạch nhà đất và cách kiểm tra quy hoạch
  5. Lý do nhận nhà rồi nhưng chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng?

https://giaphucland.com