Thành công trong kinh doanh ngoài những yếu tố ngoại vi như biến động thị trường, nhu cầu của khách hàng, sản phẩm,…thì các yếu tố nội vi trong bản thân mỗi doanh nhân cũng rất quan trọng. Vì dù thế nào thì con người cũng luôn là yếu tố quan trọng trong mọi hoạt động. Vậy nên để thành công trong kinh doanh mỗi người phải tự rèn luyện cho mình một số kĩ năng quan trọng sau.
1. Khả năng tập trung
Nhiều người thường quan niệm để thành công trong kinh doanh bạn phải thực sự là một siêu nhân, có thể ôm đồm nhiều việc một lúc và việc nào cũng làm tốt, cũng hoàn thành đúng thời hạn. Nhưng thực tế không phải vậy, những doanh nhân thành công chia sẻ rằng họ chỉ tập trung vào công việc chính của mình và cố gắng hết sức để làm tốt nhất việc đó mà thôi. Nên nhớ rằng bạn cũng chỉ là con người mà thôi, sức lực của bạn có hạn, khả năng của bạn cũng có hạn, đừng tham lam mà ôm quá nhiều việc, thực hiện quá nhiều mục tiêu để rồi không cái gì thực sự tốt. Hãy tập trung vào mục đích của mình và làm mọi cách để đạt được nó.
2. Biết lập kế hoạch
Người thành công không làm những việc thừa thãi, không làm một cách bừa bãi, họ luôn đưa mọi thứ vào quy trình đã được lên sẵn trong kế hoạch và làm đúng theo từng bước đã định ra. Trong kinh doanh bạn không thể nghĩ gì liền làm cái đó, bạn cần có một kế hoạch cụ thể với mục tiêu rõ ràng và cách thức thực hiện. Bản kế hoạch ấy phải được tổng hợp sau quá trình phân tích tỉ mỉ thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và chính tiềm năng của doanh nghiệp để có thể chính xác nhất.
Nhưng đừng cho rằng lập kế hoạch nghĩa là bạn buộc phải gò mình vào khuôn khổ, làm việc quá nguyên tắc và cứng nhắc. Trong kinh doanh không có gì là bất biến cả, để thành công bạn phải lường trước được những rủi ro, những biến động bất ngờ và có phương án dự phòng. Một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo chỉ khi nó luôn có một đường lui chu toàn cho bạn.
3. Biết phân quyền
Như đã nói ở trên, để thành công trong kinh doanh không có nghĩa là bạn phải ôm tất cả mọi việc về phía mình, bạn chỉ cần làm tốt chức trách là đủ rồi, những công việc khác cứ chia cho cấp dưới và quản lý họ bằng kết quả. Nói như thế đồng nghĩa với việc bạn phải có kĩ năng phân quyền tốt, nên nhớ, là phân quyền chứ không phải đùn đẩy công việc. Muốn vậy bạn phải hiểu được tính chất công việc, biết được quy trình thực hiện và yếu tố mấu chốt cần chú ý, đồng thời bạn cũng phải biết nhân viên của mình có năng lực như thế nào, có phẩm chất gì để giao đúng người đúng việc.
Xây dựng tổ chức của mình thành một hệ thống với những cấp bậc khác nhau sẽ giúp bạn dễ quản lý hơn, mọi thứ cũng đi vào guồng quay thống nhất nên phối hợp nhuần nhuyễn hơn, công việc vì vậy mà có thể hoàn thành tốt hơn. Phân quyền là kĩ năng đòi hỏi khả năng phân tích cao và chính xác, thế nên đừng làm việc theo cảm tính!
Đọc thêm: Phân quyền – Kỹ năng quan trọng cần phải biết khi quản lý nhân viên
4. Luôn có tinh thần học hỏi
Chẳng ai sinh ra đã là kẻ giỏi giang, thành công trong kinh doanh phải trải qua thất bại mới vững bền, không chỉ học hỏi từ kinh nghiệm của bản thân, bạn cần phải học thêm ở những người đi trước nữa. Học, học nữa, học mãi, câu nói này dù với bất kỳ ai, bất kỳ thời điểm nào cũng đúng. Muốn thành công bạn phải liên tục tích lũy kiến thức, trang bị đầy đủ cho mình để bước đi vững vàng hơn.
Đừng ngủ quên trong chiến thắng! Hãy nghe theo lời khuyên này, những thành quả đạt được là xứng đáng với bạn, bạn có quyền tự hào nhưng đừng tự mãn. Thành công ấy chính là động lực để bạn gắng sức học hỏi và cố gắng nhiều hơn nữa trên con đường vươn tới đích cuối cùng của mình.
5. Có khả năng lãnh đạo
Không ai thành công trong kinh doanh mà chỉ bằng sức lực của chỉ mình bản thân cả, bạn cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từng bạn bè, người thân và đặc biệt là những nhân viên mẫn cán của mình. Là người đứng đầu tổ chức bạn nhất định phải có khả năng lãnh đạo, biết dẫn dắt mọi người theo con đường đúng đắn, biết điều chỉnh họ để có sự phối hợp nhuần nhuyễn nhất. Trong phần trước của bài viết 9 kĩ năng cần có để thành công trong kinh doanh chúng tôi đã nhắc đến kĩ năng phân quyền, đó cũng là một kĩ năng thuộc về lãnh đạo. Nhưng ngoài ra còn rất nhiều kĩ năng khác mà bạn cần phải học hỏi nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo tài ba.
6. Tôn trọng người khác và chính bản thân mình
Muốn thành công trong bất kì lĩnh vực nào cũng vậy, trước tiên bạn phải biết tôn trọng bản thân. Nghe thì có vẻ khó tin nhưng có những người đang tự ngược đãi chính mình mà không hề hay biết. Đó là việc làm việc lao lực, không cho mình thời gian nghỉ ngơi, cứ cố gắng đạt được mục đích mà không cần biết sức khỏe và điều kiện của mình có cho phép không. Hãy tôn trọng bản thân mình, biết thế nào là đủ, biết giới hạn để giữ mọi thứ trong chuẩn mực. Nhưng đừng đánh đồng nó với định nghĩa ích kỉ hay lười nhác, bạn tôn trọng chính mình không phải là bạn đang nuông chiều bản thân.
Tiếp đến là tôn trọng người khác, đặc biệt với những người đang hợp tác cùng bạn. Nhiều người lên làm sếp là coi khinh nhân viên, thường xuyên dè bỉu và cụp mắt nhìn xuống. Đó là thái độ cực kì sai lầm dẫn đến thất bại cho họ, vì nhân viên là người cùng họ chung một chiếc thuyền, không có nhân viên chèo chống liệu một mình họ có tiến về phía trước được không. Hãy tôn trọng người khác dựa trên năng lực và thái độ sống của họ!
7. Phân tích và đánh giá
“Cứ đi rồi sẽ đến, cứ làm rồi sẽ xong”, đừng bao giờ tin vào câu nói này, vì nó thể hiện một thái độ làm việc buông xuôi và thiếu nghiêm túc, làm chống đối, gọi cho có. Kinh doanh thì càng phải tránh xa những tư tưởng như thế, muốn làm việc gì cũng cần phải có kế hoạch rõ ràng, chiến lược cụ thể và đặc biệt phải biết phân tích, đánh giá kết quả. Từ những bài phân tích, đánh giá đó bạn sẽ biết mình đã làm được những gì, còn thiếu sót gì và phải cải thiện như thế nào cho lần sau. Đừng bao giờ bỏ qua bước cuối cùng này nếu muốn thành công trong kinh doanh.
8. Khả năng truyền cảm hứng
Là người lãnh đạo, là người dẫn đầu một tổ chức thì không phải mình mình làm tốt là đủ, không phải chỉ mình mĩnh nỗ lực là được. Bạn cần mọi người phải đồng lòng, cần ngọn lửa nhiệt huyết trong họ lúc nào cũng cháy hừng hực như trong bạn vậy. Thế thì bạn phải biết cách truyền cảm hứng. Đừng dùng một buổi diễn thuyết nhạt nhẽo hay những câu nói suống để khích lệ nhân viên, hãy cho họ thấy những con số, cho họ thấy khả năng của tập thể đến đâu và thành quả sẽ đạt được bằng cách cố gắng hết mình. Bạn không vẽ cho họ tương lai bong bóng xà phòng mà đang chỉ cho họ cách thành công, đó là luôn nhiệt huyết.
9. Luôn biết ơn
Thành quả ngày hôm nay không phải chỉ của riêng bạn, hãy nhớ điều đó, nó chia đều cho mọi người dựa vào đóng góp của họ. Vì vậy hãy cảm thấy biết ơn những người vẫn luôn dốc sức cùng mình, luôn bên bạn khi khó khăn nhất, cùng bạn giải quyết vấn đề. Lòng biết ơn đến từ sự trân trọng người khác, cho bạn biết có họ mới có thành công này.
9 kĩ năng tuy không nhiều nhưng để có thể thật sự đạt được là rất khó, nhưng đã muốn thành công trong kinh doanh thì bạn buộc phải tự rèn luyện và cố gắng đến cùng.